Vang Bordeaux là bất kỳ loại vang nào sản xuất trong vùng Bordeaux của nước Pháp, gồm thành phố Bordeaux và toàn tỉnh Gironde, với cánh đồng nho lên đến hơn 120.000ha. Đây là vùng sản xuất rượu vang lớn nhất nước Pháp.
Bình quân mỗi năm sản lượng rượu vang lên đến 700 triệu chai, từ chất lượng thường thường đến những loại vang đắt và thanh thế nhất thế giới. 89% vang ở Bordeaux là vang đỏ; ngoài ra còn có vang trắng ngọt (đáng chú ý là Sauternes), vang trắng dry, một ít vang rosé và vang sủi tăm. Vang Bordeaux do 8.500 nhà sản xuất, còn được gọi là châteaux – hệ thống trang trại trồng nho của vùng này. Có tất cả 54 appellation (danh xưng về xuất xứ được kiểm soát) trong vùng này – hầu như là toàn vùng, trừ xã Libourne.
Appellation là thuật ngữ gọi tắt của cụm từ Appellation d’origine contrôlée (AOC) nghĩa là danh xưng được kiểm soát về xuất xứ. Đó là chứng chỉ được cấp cho một số dấu chỉ địa lý Pháp đối với rượu vang, phômai, bơ, và các loại nông sản khác dưới sự bảo trợ của văn phòng viện Chỉ danh nguồn gốc nhà nước của chính phủ, giờ đây được gọi là viện nguồn gốc và chất lượng nhà nước (INAO). AOC dựa trên khái niệm vùng thổ nhưỡng (terroir) – là vùng đất gồm các đặc tính địa lý, địa chất và khí hậu của một nơi nào đó, tác động hỗ tương với di truyền học của cây giống cho ra nông sản như vang, càphê, sôcôla, cà chua, lúa mì di sản và trà. Khái niệm cũng nối kết với các sản phẩm có chỉ danh nguồn gốc được bảo vệ (Protected Appellations of Origin (PDOs – một hình thức dấu chỉ địa lý) như phômai.
Terroir có thể hiểu như là "nội hàm của một nơi", bao gồm một số chất lượng đặc thù, tổng các hiệu ứng mà môi trường địa phương đem lại cho việc làm ra sản phẩm.
Khái niệm terroir có nguồn gốc từ hệ thống quy định AOC của vang Pháp. Nó trở thành chuẩn mực về luật chỉ danh và vang trên toàn cầu.
AOC bắt nguồn từ thế kỷ 15, khi Roquefort (một dấu chỉ địa lý cho các loại phômai đặc sắc của Pháp) được quy định bởi một sắc luật của quốc hội. Luật đầu tiên về dấu chỉ xuất xứ nho bắt đầu từ ngày 31.8.1905. Luật hiện đại đầu tiên thông qua ngày 6.5.1919 có tên là luật bảo hộ nơi chốn xuất xứ. Ngày 30.7.1935, viện chỉ danh xuất xứ nhà nước được thành lập trực thuộc bộ nông nghiệp Pháp, có nhiệm vụ quản lý việc chế biến rượu vang.
Như thế 54 appellation ở Bordeaux phải thống nhất về lớp giống nho, độ cồn, phương pháp cắt xén và thu hoạch, mật độ trồng, năng suất phù hợp và kỹ thuật chế biến. Việc dán nhãn AOC trên sản phẩm cũng phải theo đúng quy định về vị trí và kích thước…
Như vậy, nếu theo luật danh xưng xuất xứ có kiểm soát tương tự của Pháp, Việt Nam còn phải mất rất nhiều thời gian để tạo ra các sản vật hội đủ điều kiện để được cả nước và thế giới thừa nhận như sản vật vang Bordeaux, phômai Roquefort, gà Bresse... của Pháp. Những món ăn phải qua chế biến, gồm nhiều loại nguyên liệu khác nhau, không thể kiểm soát được xuất xứ, thì gần như là không tưởng, giống như cuộc cãi vã bất tận về mì Quảng.