Rượu vang từ bao nhiêu ngàn năm qua vẫn được coi là một món quà quý giá mà Thượng Đế tặng cho nhân loạị. Quý nhất là ở chỗ nó có thể được thưởng thức bằng tất cả 5 giác quan bén nhạy của con người.
Trước hết là thị giác. Rượu vừa rót ra ly đã phơi bày trước mắt ta cái màu sắc óng ả của nó, dù đó là màu đỏ tươi, màu đỏ đậm, màu ngà phơn phớt, hay màu vàng hổ phách.
Ta hãy nhìn ngắm cái màu áo đó trước khi nhẹ nhàng khoắng ly rượu mấy vòng để khứu giác thưởng thức mùi hương thơm ngào ngạt tỏa lên .Ngẫm nghĩ kỹ ta sẽ thấy mùi hương dường như có tiềm ẩn cả một bó hoa đồng cỏ nộị. Thoảng một chút mùi hoa sim tím, xen lẫn với mùi hoa anh đào, hoa tầm xuân, hoa cam, hoa bưởi, mùi rơm mới cắt, mùi cỏ tóc tiên , tùy theo từng vùng địa chất nơi cây nho mọc lên. Lạ lắm cơ.
Rồi bây giờ mới đến phần chủ yếu là phần vị giác (taste). Nếu là rượu ngon thì cảm nhận đầu tiên của ta là vị đậm đà, đằm thắm nơi đầu lưỡị Nó phải cho ta cái cảm tưởng đầy đặn, nồng nàn như khi ta ôm người yêu trong taỵ. Đó là thân mình của những chai rượu .Rượu ngon phải là một sự tổng hợp hài hòa của nhiều vị khác nhau, gồm cả vị chua lẫn vị ngọt của nước nho, vị chát của vỏ nho, vị đắng của cuống nho, vị nồng của men rượu, vị đặm của gỗ sồi. Tất cả hòa hợp lại như nhiều thứ nhạc khí của giàn nhạc đại hòa tấu vậy.
Thế còn thính giác nữa, cũng phải để cho tai thưởng thức với chứ. Có lẽ vì vậy mà người ta thường uống rượu vang bằng những ly thủy tinh,hay ly pha lê. Uống rượu nho bằng ly pha lê thì đúng là “bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi”. Khi ta cụng ly chúc mừng, pha lê sẽ tạo ra những âm thanh trong vắt, nghe leng keng như “tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”. Cái âm thanh vui tai này làm cho những bữa tiệc họp bạn, những dịp tao phùng hội ngộ càng thêm phần thích thú.
Ô, vậy còn xúc giác thì sao. Chúng ta đâu có sờ mó được rượu vang. Có chứ, khi nâng ly rượu trên tay, dù đó là ly chân cao bầu tròn để uống rượu đỏ, ly bầu dài dáng thanh để uống rượu trắng, hay ly búp thon miệng để uống Champagne, ta vẫn có cảm tưởng như xúc giác của ta đang được mơn trớn chất rượu ở bên trong, nhiệt độ từ lòng bàn tay ta truyền sang, thì đó chẳng phải là một niềm vui do xúc giác hay sao?
Xét về bản chất, rượu vang chỉ là nước nho lên men, và tùy theo đặc tính của mỗi loại nho mà người ta làm ra những loại rượu nho khác nhaụ .
Mỗi thứ rượu vang đều có những đặc điểm và cá tính nổi bật nên nó được coi là thích hợp cho một loại đồ ăn.
Dựa theo kinh nghiệm cổ truyền ở Tây phương, người ta cho rằng rượu đỏ nên được uống với các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu; rượu trắng nên đi chung với đồ biển và những món ăn được nấu bằng xốt (sauce) trắng. Nhưng theo những thử nghiệm gần đây hơn của các tay đầu bếp danh tiếng quốc tế, sự kết hợp giữa rượu vang với các món ăn có thể được biến đổi một cách rộng rãi và “sáng tạo” hơn nhiềụ. Thí dụ rượu đỏ cũng có thể được nhấp nháp với đồ biển, rượu trắng đôi khi rất hợp với thịt bò. Một trường hợp điển hình: rượu đỏ làm bằng nho Pinot Noir mà nhấp nháp với món tuna sống trong những món sushi hoặc sashimi của Nhật Bản thì còn khoái khẩu hơn là uống với rượu saké nữa.