Chi tiết về "Tìm hiểu dòng rượu Cognac":
Rượu Cô nhắc (Cognac) là một loại rượu mạnh sản xuất tại vùng Cognac của Pháp, được chưng cất từ loại rượu nhẹ sản sinh trong tiến trình lên men nho quả, sau một thời gian ủ trong thùng gỗ sồi được đem ra đóng chai và bán khắp thế giới.
1. COGNAC là gì?
Về địa dư, Cognac là một thị trấn cổ kính rất đẹp ở miền Tây Nam nước Pháp, gần sát bờ Đại Tây Dương, cách Bordeaux chừng hơn 100km. Về bản chất rượu Cognac là một thứ Brandy tức là rượu mạnh, giống như whiskey, Bourbon hay Vodka. Nhưng trong khi hầu hết các loại rượu mạnh vừa kể trên đều được làm bằng ngũ cốc, thì chỉ có Brandy được làm bằng nho
Hầu như ở tất cả mọi vùng trồng nho trên nước Pháp – hoặc nói rộng ra là trên khắp Thế Giới – người ta đều có sản xuất Brandy, với những phẩm chất cao thấp khác nhau. Nhưng chỉ riêng rượu Brandy ở vùng Cognac, vì hội đủ những điều kiện thuận lợi về địa chất, khí hậu và nhân công nên mới có hương vị thơm ngon, không nơi nào sánh kịp. Các nhà buôn cũng như khách sành điệu bằng lòng trả những cái giá thật cao để mua cho bằng được rượu Cognac hảo hạng, vì thế nhiều nhà làm rượu kém lương thiện ở các nơi khác đã lợi dụng bằng cách viết đại chữ Cognac lên những chai Brandy của họ
Để bảo vệ giới tiêu thụ, chính phủ Pháp đã phải ban hành những luật lệ quy định rằng, chỉ có Brandy cất từ rượu vang làm bằng các loại nho trồng ở bên trong ranh giới của quận hạt Cognac, và theo đúng các phương thức cất nấu cũng như tồn trữ của vùng này mới được quyền gọi là Cognac mà thôi
2. Lịch sử
Cognac là tên một tỉnh lỵ của Pháp nằm trong 3 tỉnh lớn là Angousmois, Saintonage và Aunis. Con sông Charente chảy qua khu vực này đã hình thành nên một thương cảng sầm uất vào thế kỷ 17.
Tại đây, trong những năm tháng làm ăn thua lỗ của một thương gia Hà Lan gốc Đức tên là Den Helkenwijk, người chuyên buôn rượu chát từ Pháp sang Hà Lan, ông ta đã sáng tạo ra cách chưng cất cách thủy rượu vang chát, hình thành nên một loại rượu mạnh hơn về nồng độ có thể tích ít hơn và vì vậy, giảm bớt chi phí cho vận chuyển. Loại rượu chưng này, tiếng Hà Lan gọi là brandewijin (burned-wine, rượu đã cháy), sau này thịnh hành hơn với tên gọi brandy.
Ngay trước thời La mã, người dân Charente đã nắm vững nghề trồng nho và công nghệ sản xuất muối từ nước biển. Vì thế đến thời Trung cổ, người Hà Lan, Na Uy, Anh đã dùng tàu chở tiểu mạch, muối và rượu nho của Charente đến châu Âu và các nơi khác trên thế giới.
Ban đầu người ta trở rượu nho bằng các tàu buôn, thế nhưng bản thân rượu nho có độ chua khá cao, độ rượu lại thấp nên khó chở đi nơi xa. Khoảng giữa thế kỷ 16, một lái buôn người Hà Lan gốc Đức, tên là Den Helkenwijk chuyên mua rượu Pháp chở bằng ghe xuồng sang Hà Lan. Theo tính toán của ông thì càng chở càng lỗ vốn, thùng chứa rượu quá cồng kềnh, việc khiêng vác tốn nhiều tiền và công sức. Bởi vậy, phải làm cách nào để rượu ít nước cho dễ chuyên chở hơn. Sau đó về đến bến thì pha thêm nước vào những chai rượu trắng hoặc rượu đỏ đó. Nghĩ là làm, ông nhờ một lò rượu tìm cách chưng rượu chát dùm ông. Người chủ lò rượu đem thùng rượu chát đỏ mà chưng cách thủy.
Sản phẩm sau khi được pha đó được gọi là Brandewijin. Theo tiếng Hà Lan, Brandewijin có nghĩa là “rượu nho đốt cháy” (burnt wine). Rượu được đun nóng đến một nhiệt độ vừa phải là 173° F (tương đương 78.3 độ C) thì rượu chát bốc thành ethyl-alcohol. Hơi nóng được đông lạnh lại thành một chất rượu mạnh. Sau đó, sản phẩm này thịnh hành hơn với tên gọi brandy.
Cho đến tận cuối thế kỉ 18 thì các tính chất ưu việt của loại Brandy lâu năm này mới được mọi người thừa nhận và khẳng định. Những thùng rượu nho chứa trên các con tàu lênh đênh trên biển cả nay đã trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, năm 1880 các vườn nho bị sâu hại phá nghiêm trọng nên Cognac lại càng được thị trường rượu mạnh thế giới coi trọng.
3. Vùng sản xuất rượu
Có 3 yếu tố khiến cho phẩm chất của rượu Cognac vượt trội hơn hẳn những thứ Brandy thông thường. Đó là vùng đất trồng nho, phương pháp làm rượu và nhân công khéo léo cộng thêm với nguyên liệu thượng hạng.
Các khu vực trồng nho
Chỉ có đất đai, khí hậu của vùng Cognac mới tạo ra được những trái nho đặc sắc để làm ra rượu Brandy thượng hạng. Vùng này được chia làm 6 khu vực với những thành phần địa chất và khí hậu khác nhau nên trái nho ở mỗi khu vực mang tính chất khác nhau :
- Grande Champagne
- Petite Champagne
- Borderies
- Fins Bois
- Bons Bois
- Bois Ordinaires
Chính những thành phần như đá vôi đất sét, đất cát, khoáng chất và kim loại ở mỗi khu vực này, cộng thêm với gió biển đậm mùi muối mặn từ Đại Tây Dương thổi vào khiến cho trái nho trồng ở mỗi khu vực đều có đặc tính riêng
Cognac được làm từ rượu vang trắng và phải ít nhất là 90% nho Ugni Blanc, rồi Folle Blanche và Colombard. Những thứ nho này mà dùng để làm rượu vang thì rất xoàng, uống chua cả miệng vì có nhiều acidity. Nồng độ alcohol của nó lại chỉ đạt tới mức từ 9% – 10% nên vị nhạt. Thế nhưng khi đem chưng cất làm ra Cognac thì nó lại trở thành thứ rượu mạnh đặc sắc nhất trên thế giới.
Những rượu mạnh làm bằng nho trồng tại các vùng có tô màu của bản đồ trên đây thuộc tỉnh Cognac (điểm trắng trung tâm bản đồ), đều được dùng tên “Cognac”. Rượu này được cất từ rượu vang làm bằng nho trắng, có nhiều giống nho, cho những đặc trưng khác nhau. Để ý là hai vùng “Grand Champagne” và “Petit Champagne” nổi tiếng là ngon, trên những nhãn chai có để hai giòng chữ này nếu cognac được làm từ 100% nho trồng ở đó, “Grand Champagne” ngon hơn. Thường thì ta thấy để nhãn “fine Champagne” tức là pha chế cả hai vùng Champagne, nhưng bắt buộc phải trên 50% Grand Champagne. Không phải là rượu đó được cất từ rượu sủi bọt nổi tiếng “Champagne”, như người ta hay hiểu nhầm [1], Đôi khi người ta thấy chữ “Borderies” (có nghĩa làm từ 100% nho trồng ở đấy) đó cũng là một vùng nổi tiếng (màu vàng trên bản đồ), rượu có vị đặc biệt. Ngoài ra thì thường không để tên vùng rượu, tức là nhà sản xuất Cognac đã pha chế từ vang làm ở các nơi khác nhau (nhưng vẫn phải 100% ở tỉnh Cognac).
Khu vực sản xuất rượu Cognac
Căn cứ vào các nhân tố thổ nhưỡng, khí hậu và độ chiếu sáng của mặt trời thì có 6 khu vực được phép sản xuất Cognac, đó là:
Khu đại Champagne (grande champagne): Khu vực này bao quanh thị trấn Cognac, chất đất ở đây có nhiều đá vôi trắng, đủ điều kiện để trồng các loại nho để sản xuất loại rượu mạnh ngon nhất và có hương vị độc đáo, nhưng thời gian để rượu trưởng thành hơi dài. Những đặc điểm này khiến khu đại Champagne này không thể nhầm lẫn với một vùng khác chuyên sản xuất loại rượu mang tên Champagne nổi tiếng.
Khu tiểu Champagne (Petite Champagne): thành phần thổ nhưỡng của khu này không những có điểm khác với khu đại Champagne mà về mặt khí hậu cũng có nhiều nét khác biệt. Bởi vậy, rượu sản xuất ở vùng này rất giống loại rượu sản xuất ở khu đại Champagne, nhưng thời gian trưởng thành của rượu nhanh hơn.
Khu Botderies: là một khu sản xuất rượu tương đối nhỏ ở phía tây bắc thị trấn Cognac. Đất ở đây có lớp sét dày và sâu, nhưng về mặt khí hậu thì lại giống khu đại Champagne. Rượu ở vùng này có đặc tính ổn định bởi vậy nó chủ yếu được dùng làm nguyên liệu để điều chỉnh pha chế Cognac.
Khu Fins Bois: là khu vực sản xuất rượu qui mô lớn, có rất nhiều nông trại và rừng. Đất đai ở đây nhiều sỏi đá, thế nhưng rượu lại trưởng thành nhanh.
Khu Boms Bois: vùng này giáp biển, trong đất có nhiều sét. Chỉ có một phần nhỏ đất đai trồng loại nho để sản xuất Cognac loại ngon, còn phần lớn là dùng để sản xuất Cognac giá rẻ.
Khu Bois Ordinaires: Một phần đất đai này liền với bờ biển, đất có nhiều sa thạch. Rượu sản xuất ở đây thuộc loại xoàng, chỉ dùng để pha thêm vào rượu brandy giá rẻ.
3. Đặc điểm
Bản đồ vùng sản xuất cô nhắc
Rượu brandy, sau khi chưng cất hai lần có màu trắng trong và vị cay do nồng độ rượu rất cao, thường trên 40 độ cồn. Người dân vùng Cognac cất loại rượu đã chưng này trong các thùng tônô (tonneaux) dung tích 350 lít, được đóng bằng loại gỗ sồi đặc biệt mọc ở cánh rừng Limousin hướng Bắc trên núi vùng Cognac. Những cây phải có độ tuổi trên 100 năm mới được hạ xuống đóng thùng. Những cây non hơn cho chất lượng rượu không đảm bảo. Thợ đóng thùng cưa gỗ cây thành những tấm hình chữ nhật, phơi trong bóng râm sau 3 năm mới đóng thành thùng bán cho các lò rượu. Thứ gỗ của cây sồi này có thớ mịn, không thấm nước và chứa nhiều chất tannin, chính chất này tạo nên hương vị và màu sắc của rượu cô nhắc đặc biệt, không lẫn với các loại rượu khác trên thế giới.
Sau khi cho rượu vào thùng, thùng rượu được đánh số thứ tự và năm đưa rượu vào, sau đó được chuyển xuống các hầm chứa (chais). Hầm càng sâu càng tốt, vì khi đó, hầm chứa ít ôxy không làm rượu bị chua. Sau một niên hạn khá dài, rượu sẽ được đưa ra khỏi thùng đóng vào chai. Căn cứ vào số năm đã ghi trên vỏ thùng khi đưa rượu vào so sánh với năm lấy rượu ra, các hãng sẽ ghi tuổi rượu trên nhãn mác của sản phẩm bán ra thị trường.
Quá trình tác động của các chất có trong vỏ gỗ sồi của thùng vào rượu xảy ra ngay từ những ngày đầu rượu được đưa vào thùng chứa. 5 năm đầu chất tannin của gỗ sẽ tác động mạnh với acid có trong rượu và tiến trình này giảm dần theo thời gian. 5 năm tiếp theo cho rượu từ màu vàng nhạt chuyển thành màu nâu sẫm hổ phách. Quá trình này cũng làm lượng rượu bị suy hao dần từ 3 đến 4% trọng lượng thể tích. Phần rượu bị suy hao này, theo các chủ lò rượu là “phần của các thiên thần” (à la part des anges). Càng để lâu, lượng rượu suy hao càng lớn nên niên hạn của rượu cũng vẫn được khống chế trong một thời lượng nhất định không thể để quá lâu. Theo các chuyên gia về rượu, những chai “trấn sơn chi bảo” của các hãng rượu cô nhắc lừng danh, có thể lên tới trên dưới 50 năm tuổi thọ nhưng hầu hết là do họ lấy rượu để trong các thùng gỗ sồi khoảng 10 năm đóng vô chai và tiếp tục để dưới hầm rượu thêm nhiều chục năm sau.
4. Làm Cognac
Rượu Cognac được cất hai lần, khác với rượu Armagnac của tỉnh bên cạnh chỉ cất một lần, vì thế “sần sùi” hơn, cũng có vẻ riêng của nó và có người lại thích hơn Cognac. Sau khi cất, rượu được trữ trong tônô sồi [2] ít nhất hai năm, nhiều hơn có thể một hai chục năm, để rượu được trộn lẫn với chất nhựa sồi trong thùng, làm nên đặc trưng của Cognac. Trong thời gian đó mỗi năm người làm rượu đều nếm, nếu thấy đủ già thì chuyển sang những thùng rượu cũ (mà chất tanin, tinh dầu, trong gỗ đã mất hết) hoặc thùng lớn bằng thuỷ tinh hay thép đặc biệt không rỉ, để rượu giữ nguyên chất lượng không đổi nữa. Từ khi rượu mới ra lò đến khi hết giai đoạn “trưởng thành” thì chất cồn bay hơi, từ khoảng 70° (độ GL) xuống đến trên dưới 40°. Thời gian ngắn thì độ cồn còn nặng, thời gian dài thì độ cồn có thể xuống dưới mức 40°.
Vì vậy chai rượu bạn mua [3] uống luôn luôn được pha chế từ nhiều thùng rượu già trẻ khác nhau để đạt độ cồn 40°, là độ tối thiểu cho phép, (nhưng cũng ít khi người ta bán rượu nặng hơn, 42° hay 45°, những thứ đó thường dùng để làm bếp). Những thùng đó có thể có xuất xứ khác nhau nếu không ghi rõ. Người pha chế rượu có mũi và miệng rất tinh tế để mỗi lần đều đạt được cái mùi vị đặc trưng cho nhãn hiệu riêng của mình. Ngoài ra không cho phép thêm vào bất cứ chất gì khác (đặc biệt là đường, hay cồn nguyên chất, sự gian dối này ngày xưa hay xẩy ra) trừ nước tinh khiết, cho phép để làm loãng thứ rượu mà đa phần là những thùng “nuôỉ” ngắn ngày, độ cồn còn quá cao.
Các thùng sồi được cất giữ trong các “chais” [4], điều đặc biệt quan trọng là các thùng đều ghi năm cất rượu, và các chais đều khoá bằng hai khoá. Một của nhà sản xuất, và một do thanh tra của BNIC giữ, như thế để bảo đảm tuổi của các thùng rượu. Khi đem vào hay đem ra để pha chế vì thế đều phải có mặt thanh tra BNIC. Vì trong tổ chức này có mặt mọi nhà sản xuất cạnh tranh với nhau nên không có chuyện ai cho phép ai gian lận.
Sơ đồ sản xuất rượu Cognac
Nho – Ép – Tách bã và cặn bẩn – dịch nho – Lên men chính – Lên men phụ – Chưng cất – Rượu thô – Tàng trữ (trưởng thành) – Điều chỉnh và hoàn thiện – Đóng chai – Bảo quản.
- Tách bã và cặn bẩn: Dùng thiết bị ly tâm để tách.
- Quá trình lên men: Bao gồm 2 giai đoạn: Lên men chính và lên men phụ.
Lên men chính kéo dài 7-8 ngày ở nhiệt độ 20 – 25 độ C, nơi thoáng mát, độ ẩm không khí từ 75-85%. Quá trình lên men tạo rượu là chủ yếu theo phương trình: C6H12O6 → 2CO2 + 2CH3CH2OH zymaza Lên men phụ: tạo các sản phẩm phụ: axit hữu cơ, este, đường, các cấu tử thơm, andehit, … kéo dài 2 tuần cũng với nhiệt độ và độ ẩm như trên, rồi đem đi chưng cất.
Tác nhân lên men là các vi sinh vật có sẵn trên vỏ của nho nguyên liệu hoặc có thể bổ sung vào, tuy nhiên vi sinh vật tự nhiên thường có hiệu suất lên mên thấp nên người ta thường dùng là các loài nấm men thuộc Saccharomyces đã được các nhà sản xuất chọn tạo các giống, các chủng rất kỹ theo yêu cầu của họ để cho vào lên men.
- Chưng cất: lặp lại 2 lần. Sau lần chưng cất thứ nhất thu được rượu 25-32 độ. Sau đó cất lại lần 2 theo phương pháp phân đoạn: Loại bỏ 5 % cồn đầu và 40 % rượu cuối (phần này để cho vào mẻ nguyên liệu sau để tuần hoàn lại), ta lấy đoạn giữa với nồng độ cồn từ 67-70% (Cognac thô). Đem cognac thô được đem đi tàng trữ trong thùng gỗ sồi.
- Tàng trữ: Thùng gỗ được làm bằng gỗ sồi có tuổi thọ ít nhất 50 năm trở lên (có thể lên đến 100 năm hoặc hơn), nguyên liệu làm thùng phải để ngoài trời ít nhất 4 năm, thùng được ghép bằng đai đặc biệt không sử dụng đinh hay bất cứ một kim loại nào để ghép thùng. Loại thùng này rất đắt 10 m 3 : giá 2,5 tỉ đồng Việt Nam. Trong gỗ sồi chủ yếu là Lignin, xenlulo, hemixenlulo và các loại sợi này được kết dính lại bở các loại este. Đây là những loại este có mùi thơm dễ chịu. Trong quá trình tàng trữ một số chất có mùi thơm trong gỗ được hoà tan vào rượu, các chất có trong rượu cũng phản ứng với nhau để tạo thành các loại este thơm. Nếu rượu tàng trữ cỡ 10 năm thì chỉ riêng hàm lượng andehit có thể tăng đến 800 mg/l. Các loại este thơm có thể lên đến 500 mg/l. Các chất pectin có trong gỗ cũng bị thuỷ phân và hoà tan vào rượu tạo rượu metylic và đường. Tất cả những biến đổi đó làm thay đổi tính chất cảm quan của nguyên liệu ban đầu. Thời gian tàng trữ có thể kéo dài từ 2 năm đến hàng trăm năm.
- Điều chỉnh và hoàn thiện: Sau thời gian tàng trữ kéo dài ở trong rượu có rất nhiều cặn lơ lửng do đó ta phải tiến hành tách cặn. Dùng các chất để điều chỉnh độ rượu, chỉnh mùi, chỉnh vị, chỉnh màu đến khi đạt yêu cầu. Khâu này là một khâu vô cùng quan trọng và được nhà sản xuất giữ hết sức bí mật do người có kinh nghiệm lâu năm thông thuộc tính chất của từng loại rượu của các xưởng khác nhau pha trộn và điều chỉnh, nó quyết định tính chất đặc trưng của từng nhãn hiệu và danh tiếng của các loại rượu. Sau đó có thể được đem đi tàng trữ tiếp.
Trong khâu điều chỉnh có thể bổ sung đường dưới dạng siro, độ khô 75-80%. Rượu thành phẩm có hàm lượng đường: 4-15 g/l, hàm lượng axit: 600-800 mg/l, nếu chưa đủ thì phải bổ sung thêm axit hữu cơ. Hoặc có thể bổ sung hương thơm đã được chiết suất bằng cồn từ thực vật. Có thể dùng caramen để chuyển màu sắc cognac thành màu gỗ.
Sau đó rượu được đem đi đóng chai và bảo quản ở điều kiện thích hợp.
Xin lưu ý, sơ đồ sản xuất trên chỉ mang tính giới thiệu, còn việc sản xuất với yêu cầu của từng công đoạn ra sao thì tuỳ thuộc vào từng xưởng sản xuất, từng nhà máy, với các trang thiết bị, vốn, danh tiếng, ở các khu vực khác nhau thì cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng các thông số phù hợp với điều kiện của nhà máy, xưởng sản xuất.
Nguyên liệu đặc biệt và tài khéo chuyên môn
Khi tiến trình chưng cất đã xong eau-de-vie được đổ vào những thùng chứa làm bằng gỗ sồi và đưa vào hầm tối cho nó nằm ngủ yên ít nhất là vài ba năm. Đó là thời kỳ ủ rượu
Trong khoảng thời gian này rượu sẽ ngả dần sang màu vang vì được ngấm chất gỗ sồi từ thùng chứa tiết ra. Đồng thời chất alcohol cũng dịu bớt đi trầm lắng xuống chứ không nồng gắt như lúc ban đầu
Như vậy thùng gỗ sồi cũng là một thành phần quan yếu trong tiến trình làm ra rượu Cognac. Nhưng gỗ sồi phải là thứ của Pháp loại Limousin hoặc Troncais chứ sồi của Mỹ thì không thơm bằng. Thùng gỗ được làm xong người ta đốt lửa cho cháy bùng bùng trong thùng. Khi gỗ bị hun như vậy, mặt trong của thùng đó bị thiêu xém đi một phần. Chính những chỗ cháy xém gần thành than này góp phần tạo cho eau-de-vie cái màu đỏ thẫm như Ruby sau mấy năm ngâm trong thùng.
Đến công đoạn này thì cần phải có tài khéo và kinh nghiệm của các chuyên viên pha chế (Maiture de Chais hay Cellar Master) mới có thể tạo ra những chai Cognac với tính chất đặc biệt và đồng nhất trước sau như một của mỗi nhà sản xuất.
Phần đông các chuyên viên pha chế đều làm công việc đó theo tập tục “cha truyền con nối” từ mấy trăm năm nay. Dòng họ của những người này dường như được trời ban cho cái mũi rất thính để phân tích hương thơm, cái lưỡi rất nhạy bén để phân biệt mùi vị của rượu. Nhiều khi họ phải sử dụng tới 150 thứ eaux-de-vie khác nhau để pha trộn mới thành ra Cognac có mùi vị như họ muốn
Có thứ đã cũ cả mấy chục năm hoặc hơn trăm năm nên đã dịu hẳn xuống có thứ vừa mới chưng cất xong nên còn đang hăng nồng. Thứ thì bắt nguồn từ khu vực Bons Bois nhiều đất sét, thứ thì xuất phát từ Grande Champagne nhiều đá vôi. Mỗi thứ có một hương vị khác biệt. Họ phải làm sao pha trộn chúng theo những tỷ lệ vừa đúng để tạo thành một thế quân bình hòa hợp
Cognac còn có một đặc điểm nữa là nó rất dễ bay hơi. Mặc dầu eau-de-vie đã được đổ thật đầy vào những thùng gỗ có nút đậy kín như bưng, nhưng khi mở nút ra để kiểm soát lại sau một năm yên nghỉ, người ta vẫn thấy có một lượng rượu bị hao hụt đi từ 3% – 5%, hệt như có ai lấy trộm. Đó là vì rượu thấm qua các thớ gỗ, gặp không khí thì bay lên thơm ngào ngạt khắp vùng Cognac
Hồi xưa người làm rượu không hiểu sao nên bảo nhau rằng chắc các thiên thần ở trên trời ngửi thấy mùi Cognac hấp dẫn quá nên bay xuống uống mất một phần. vì vậy mà người ta gọi phần rượu bị hao hụt do hiện tượng bốc hơi gọi là Phần Của các Thiên Thần (La Part des Anges, hay Angel’s Share)
5. Phân loại
1. Phân loại 1.
Các chỉ tiêu dùng được để kiểm soát chất lượng một cách khách quan không nhiều, và cũng chỉ tương đối hữu ích thôi. Điều quan trọng là với thời gian và chữ “tín” trước khách hàng thì thương hiệu riêng của một nhà sản xuất sẽ được tin cậy. Tuy nhiên vẫn phải kiểm soát. Vì vậy trên thực chất với thanh tra của BNIC thì chỉ có ba loại rượu Cognac, phân biệt theo thùng rượu trẻ tuổi nhất được dùng để pha chế :
a) Cognac trống trơn, hay VS, hay ba sao ( *** ) là thứ chất lượng thấp nhất, trong đó thành phần rượu trẻ nhất là hai hoặc ba năm. Dĩ nhiên thành phần này nhiều hay ít, có cho thêm nước không… là điều không ai ghi trên nhãn, người mua chỉ tuỳ thuộc tên nhà sản xuất, giá cả, và cái gu riêng của mình để mua về uống hay chỉ mua để làm bếp thôi.
b) VSOP là thứ chất lượng ở giữa, mà người không sành thì cũng khó phân biệt với rượu “sang” hơn. Thành phần rượu trẻ nhất trong VSOP là bốn hoặc năm năm, nhưng nói chung cũng không nhiều. Các nhà làm rượu thường dùng những thứ rượu già tuổi hơn thế nhiều để pha chế chất lượng VSOP. Tuổi rượu cũng không phải là yếu tố độc nhất quyết định chất lượng. Thửa ruộng, giống nho và thời tiết của năm làm rượu vang còn quan trọng hơn.
c) Cũng như vậy, với XO, hay Napoléon, hay “hors dâge” … mà thành phần trẻ nhất không dưới 6 năm. Ngoài ra nhà làm rượu có thể tuỳ ý pha trộn như mình muốn, và cững có thể dùng hai tên khác nhau cho hai chất lượng khác nhau đều thuộc loại chung là XO. Và dĩ nhiên, một người sành rượu có thể thích VSOP của một nhà này hơn XO của một nhà khác.
Cuối cùng nên để ý là khác với rượu nho, rượu cognac một khi đã vào chai rồi thì để lâu cũng không ngon hơn, và cũng không bớt ngon đi, nếu nút chặt.
2. Phân loại 2.
V.S (Very Special) hay COGNAC BA SAO (three star): Theo quy định của Pháp thì rượu mạnh mới sản xuất của các xưởng chế Cognac chỉ cần có 18 tháng tuổi, tuy nhiên, nhiều nước nhập khẩu Brandy kể cả nước Anh, yêu cầu tuổi của Brandy phải ít nhất là 3 năm. Ký hiệu ngôi sao hoặc chữ VS chỉ để nói rõ tiêu chuẩn hoà trộn của xưởng sản xuất chứ không có ý nghĩa xếp hạng.
V.S.O.P là loại Cognac cao cấp lâu năm màu trắng nhạt (Very Superior Old Pale viết tắt thành V.S.O.P): Để được hưởng quyền ghi chữ này vào nhãn thì tuổi của rượu phải từ 4 năm rưỡi trở lên, tuy nhiên trong khi hoà trộn nhiều xưởng còn cho thêm loại rượu mạnh tuổi lâu hơn.
VINTAGE: là loại rượu Cognac theo năm, có nghĩa là loại Cognac được hoà trộn từ các thùng rượu sản xuất trong cùng một năm. Từ năm 1963, các xưởng bị cấm sản xuất loại Cognac theo năm này. Đến năm 1973 có một số Cognac theo năm được thành trưởng ở Anh, nhưng khi gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu thì cách làm này cũng phải đình chỉ.
COGNAC SỚM KỲ (EARLY LANDED): là loại rượu Cognac rất non tuổi, thường chở đến nước Anh để thành trưởng trong thùng gỗ. Với điều kiện khí hậu ẩm ướt, dần dần trở nên có vị khác và màu cũng nhạt đi.
COGNAC ĐÓNG CHAI MUỘN (LATE BOTTLED): là loại Cognac để trong thùng gỗ rất lâu năm, ngày đóng vào chai phải ghi rõ trên nhãn thương mại.
COGNAC TINH PHẨM (LUXYRY COGNAC): là loại Cognac hoà trộn từ các loại Brandy rất lâu năm chất lượng cao. Các loại Cognac này đều có tên nổi tiếng như V.V.S.O.P (Cognac màu nhạt cấp cực cao, lâu năm); VIELLE RÉSERVE (Rượu lâu năm đặc biệt); GRAND RÉSERVER (rượu Cognac cao cấp lâu năm): NAPOLEON, XO (Cognac đặc biệt lâu năm) EXTRA (Cognac đặc biệt lâu năm), CORDON BLEU (nữ đầu bếp tài ba); CORDON ANGENT (cái đai mịn màu bạc); PARADIS (thiên đường) và ANTIQUE (Cổ xưa). Trong đó có nhiều loại Cognac có số lượng rất ít.
COGNAC Champagne CHẤT LƯỢNG CAO (FINE CHAMPAGNE). Thuật ngữ này dùng để chỉ riêng loại Cognac pha chế từ các loại Brandy sản xuất ở vùng đại Champagne và tiểu Champagne, nhưng trong đó phải có tối thiểu là 50 % loại Brandy sản xuất ở vùng đại Champage.
Một số ký hiệu của rượu
3 Stars (3 sao, tương đương với V.S.-Very Special): Loại rượu tương đối trẻ tuổi, từ 3 đến 5 năm. Giá rẻ, được tiêu thụ nhiều.
V.S.O.P. (Very Special Old Pale): Tuổi từ 7 đến 10 năm. Màu vàng nhạt. Đắt vừa phải nên khá phổ dụng trong cả giới bình dân và quý tộc.
Napoléon: Tuổi trên 10 năm. Napoléon không liên quan gì đến hoàng đế Napoléon của Pháp, mà chỉ mang nghĩa là “Hoàng đế của các lò rượu”.
Cordon Blue, Anniversary, Reserve Prince Hubert: tương tự Napoléon.
X.O. (Extra Old): Khá đắt, tuổi thường trên 20 năm, chất lượng cao.
Extra, Extra Veille hay Grande Reserve: loại đặc biệt hiếm quý. Tuổi từ 45 năm trở lên.
Super – Catégories : ngoài ra còn có những chai Cognac thượng hạng hay ngoại hạng (hors classe) làm từ những thùng eau-de-vie quý hiếm đã già cỗi tới cả trăm năm, giá có thể lên tới gần 10,000 USD một chai 750ml. Loại này không được sản xuất đều đặn hằng năm như 3 loại trên mà chỉ được phát hành vào những dịp đặc biệt như năm 2000 khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới, hay một đám cưới vương giả hoặc buổi lễ đăng quang của một vị vua chúa nào đó
Các nhà sản xuất rượu Việt Nam, có thể tham khảo cách bảo vệ thương hiệu của họ.
Thương hiệu này hiện được kiểm soát nghiêm ngặt bởi tổ chức BNIC, Bureau National Interprofessionnel du Cognac. Một tổ chức ngành nghề phi chính phủ, do các nhà sản xuất và buôn bán thành lập, được nhà nước công nhận tính hữu ích công cộng. Những thông tin trong bài này (và đặc biệt cái bản đồ) phần lớn được đọc từ trang Web của họ :http://www.bnic.fr/. Muốn bảo vệ hữu hiệu thương hiệu thì trước hết phải tự mình kiểm soát nghiêm ngặt những gì làm ra thương hiệu.
[1] Chữ champagne là cách viết cũ của “campagne” chỉ có nghĩa là “vùng đồng quê”, sau đó khi đặt tên làng tên tổng nhiều khi người ta giữ lại chữ này, bởi vậy ở Pháp nhiều nơi có tên “champagne”, cũng như ở Việt Nam và Trung quốc có những tên như : “Hà Bắc”, “Hà Nam” tức là phía Bắc hay phía Nam một con sông nào đó… Gọi tên như thế cũng như ta nói “rượu làng Vân”, “rượu Gò Công” v.v.
[2] Gỗ sồi thường lấy từ vùng Limousin khoảng 300 km hướng Đông Bắc tỉnh Cognac, không phải ở trong tỉnh này.
[3] Loại rượu làm để dùng riêng hay tặng khách quý thì không kể.
[4] Đây không cần là hầm chìm dưới đất (cave), mà có thể là các nhà kho “nổi” xây đặc biệt ít cửa sổ cho đủ tối, và kiểm soát được nhiệt độ cùng độ ẩm, không để các thứ nấm độc hại sinh sôi trên thùng sồi rồi len vào trong.
6. Thưởng rượu
Do đặc tính của rượu, rượu cô nhắc thường được thưởng thức bằng các ly có hình quả táo. Loại ly này, thân bầu nhưng miệng nhỏ, giúp cho hương vị tinh tế của rượu được lưu giữ tốt hơn và tôn được màu sắc cũng như độ trong của rượu. Lượng rượu rót ra trên các ly loại to thường ít một, đủ để chiếc ly khi đặt nằm trên mặt bàn cũng không sánh rượu ra ngoài. Khi cầm ly nên dùng lòng bàn tay ôm dưới mặt đáy của ly, sức nóng từ cơ thể con người truyền sang giúp cho hương thơm của rượu nổi bật hơn. Khi đưa ly lên mũi sẽ cảm nhận được mùi ban đầu. Khi hơi lắc nhẹ ly sẽ cảm nhận được độ sánh, độ trong của rượu và hương thơm trở nên mạnh mẽ hơn. Khi chạm lưỡi vào rượu, từng chút một, người thưởng rượu sẽ cảm nhận được toàn diện cái ngon của sự kết hợp hương thơm đậm đà và vị rượu đặc biệt, độc nhất vô nhị, không lẫn với các loại rượu khác trên thế giới. Rượu cô nhắc, ngoài cách uống nguyên chất như trên, còn có thể được pha trộn với các loại nước có gaz hay tonic để làm các loại nước giải khát hoặc khai vị với những hương vị đặc biệt.
Tuy nhiên, người ta thường uống rượu cô nhắc nguyên chất. Một số loại cocktail cũng có sử dụng cô nhắc như rượu nền trong thành phần pha chế, nhưng đó là một sự phí phạm không cần thiết, có thể thay thế bằng brandy loại rẻ tiền hơn.
7. Một số nhãn hiệu rượu cognac
(Sắp xếp theo trình tự ngẫu nhiên, không có ý so sánh về chất lượng)
1. Braastad:
• V.S
• V.S.O.P
• X.O
• Chateau de triac (Réserve de la famille)
2. Courvoisier
• Courvoisier VS
• Courvoisier VSOP Fine Champagne
• Courvoisier VSOP Exclusif
• Courvoisier Napoleon Fine Champagne
• Courvoisier XO Imperial
• Courvoisier Initiale Extra
• Courvoisier Succession JS
• L’Esprit de Courvoisier
3. Hennessy
• V.S
• V.S.O.P Privilège
• X.O
• Paradis Extra
• Richard Hennessy
4. Rémy Martin
• Rémy Martin Grand Cru
• Rémy Martin VSOP
• Rémy Martin Club
• Rémy Martin 1738 Accord Royal
• Rémy Martin X.0 Spécial
• Rémy Martin XO Excellence
• Rémy Martin Extra
• Louis XIII de Rémy Martin
5. Hine
• Hine Rare VSOP
• Hine Antique XO
• Hine Jarnac-matured Vintage Cognacs
• Hine Early-Landed Vintage Cognacs
6. Martell
• CORDON BLEU
• EXTRA
• CREATION